Khái quát về Hiệp Hội Kinh Mân Côi Việt Nam với Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh Việt Nam của Dòng Đa Minh Việt Nam

Cẩm nang sinh hoạt

Khái quát về Hiệp Hội Kinh Mân Côi Việt Nam với Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh Việt Nam của Dòng Đa Minh Việt Nam

Ngày đăng: 18/12/2024

Thời gian vừa qua, nhiều anh chị em hội viên Mân Côi hỏi về HIỆP HỘI KINH MÂN CÔI VIỆT NAM với HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN ĐA MINH VIỆT NAM của DÒNG ĐA MINH VIỆT NAM.
 
Để thêm phần nào sự hiểu biết hữu ích cho anh chị em, xin khái quát về hai hiệp hội này như sau: “Đây là hai hiệp hội Kitô hữu giáo dân của tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam và thuộc gia đình Đa Minh thế giới, thông dự đặc sủng, các ơn ích thiêng liêng hay ơn xá bởi tính pháp lý và đặc ân của Dòng.”
 
I. Theo Luật Sống Huynh Đoàn Giáo dân Đa Minh Việt Nam, ấn bản 2010: 
1/ Tên gọi HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN ĐA MINH có từ sau Công đồng Vatican II, để phù hợp với quan điểm thần học về giáo dân (trước đó quen gọi là Dòng Ba Đa Minh).
2/ Họ là những giáo dân muốn nên trọn lành, tháp nhập vào Dòng, trở thành ngành giáo dân của Dòng Đa Minh, tham gia vào sứ vụ tông đồ của Dòng, dấn thân cho việc loan báo Tin Mừng cứu độ với 4 tiêu chí: đời sống cầu nguyện, hiệp thông huynh đệ, chuyên cần học hỏi và hoạt động tông đồ theo hoàn cảnh bậc sống của người giáo dân. 
3/ Đoàn viên Huynh Đoàn Giáo dân Đa Minh Việt Nam cam kết giữ Luật Sống, Quy Chế (ấn bản 2010).
Quy Chế được tu chính nhiều lần cho đến hoàn tất như hiện tại gồm nhiều yếu tố mà một đoàn viên tham gia Huynh đoàn giáo dân Đa Minh phải tuân giữ.
Vì cam kết tuân giữ Luật sống nên đa số những thành viên gia nhập huynh đoàn là người trưởng thành với đầy đủ ý thức và bổn phận. 
Mỗi Huynh đoàn giáo dân Đa Minh là đơn vị tự lập điều hành khi đã thành lập hợp pháp với sự châu phê của Bề trên Giám tỉnh Dòng Đa Minh và sự xác nhận của Đấng bản quyền địa phương. 
Mỗi huynh đoàn giáo dân Đa Minh buộc phải có Ban điều hành, Nội quy sinh hoạt để tổ chức, điều hành, thâu nhận, tuyên hứa, thực thi sứ vụ tông đồ.
……………………………………..
Tóm lại về Cơ cấu tổ chức: 
Huynh Đoàn Giáo dân Đa Minh là hiệp hội Kitô hữu giáo dân sống giữa đời, thông dự vào đoàn sủng của Dòng Anh Em Giảng Thuyết (Dòng Đa Minh), dưới sự lãnh đạo của Tổng hội và Bề trên Tổng quyền, Bề trên Giám tỉnh, các vị Đặc trách, đại diện Bề trên Tổng quyền hay Giám tỉnh (Xc. GL 129; 303, 312, 315; QL 19a, 20a,b).
Trên đây là khái quát về HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN ĐA MINH VIỆT NAM (trước đây quen gọi là Dòng Ba Đa Minh).
 
II. Còn HIỆP HỘI KINH MÂN CÔI VIỆT NAM (HỘI MÂN CÔI) DÒNG ĐA MINH VIỆT NAM thế nào?
(Xin lưu ý rằng, trong văn bản Giáo luật 1983, trong tuyên bố của cha Bề trên Tổng quyển Dòng Đa Minh khi nói về các hiệp hội thuộc gia đình Đa Minh, trong tông hiến UBI PRIMUM của Đức LÊÔ XIII ủy thác sứ vụ Mân Côi cho Dòng Đa Minh, hay trong Thủ bản Hiệp Hội rất thánh Mân Côi, Dòng Đa Minh, 2014, đều dùng chữ: hiệp hội, một từ ngữ dùng chung chỉ một hiệp hội giáo dân được khởi xướng, thiết lập và điều hành bởi Dòng tu hay bởi các Đấng bản quyền có trách nhiệm trong Giáo hội. 
Vậy ở cấp độ Dòng Đa Minh thế giới, hay tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam, dùng Danh xưng: Hiệp Hội Kinh Mân Côi Dòng Đa Minh/ Việt Nam. Còn mỗi Hội được gắn liền với giáo xứ hay cấp giáo phận vẫn thường gọi tắt là Hội Kinh Mân Côi hay Hội Mân Côi giáo xứ, giáo phận. Các hội viên ở bất cứ nơi đâu, có là thành viên của hội đoàn nào hay không, không có gì ngăn trở, đều được đón nhận ghi danh gia nhập vào Hiệp Hội Kinh Mân Côi Việt Nam Dòng Đa Minh Việt Nam. (Xc thêm bài định danh HIỆP HỘI KINH MÂN CÔI DÒNG ĐA MINH VIỆT NAM – Website http://hoimancoi.com dòng daminh viet nam hoặc fb)
         

 

1/ HIỆP HỘI KINH MÂN CÔI VIỆT NAM - DÒNG ĐA MINH VIỆT NAM cũng là một hiệp hội Kitô hữu giáo dân được cổ võ, quảng bá và thành lập bởi Dòng Đa Minh và được Bề trên Tổng quyền, Bề trên Giám tỉnh, các vị Đặc trách thay mặt các ngài hướng dẫn đời sống đạo đức, bác ái, đặc biệt sứ mạng lần chuỗi Mân Côi để cầu nguyện cho Giáo hội hoàn vũ và địa phương, cho sứ vụ Dòng, cho sự thánh hóa bản thân và tha nhân, cho ơn cứu rỗi các linh hồn, cho sự hoán cải, hòa bình thế giới, cho các hội viên trên toàn thế giới khi sống cũng như qua đời...

2/ Theo cuốn Thủ bản Hiệp hội rất thánh Đức Mẹ Mân Côi dòng Đa Minh, ấn bản 2014, cũng như qua những tài liệu, văn kiện của các Đức Giáo hoàng thì mặc dù truyền thống sùng kính Mẹ Maria và việc lần chuỗi Mân Côi đã xuất hiện từ lâu trước đó, nhưng:
3/ Hiệp Hội Kinh Mân Côi là hiệp hội giáo dân chuyên cầu nguyện bằng kinh Mân Côi được Giáo hội chân nhận do Dòng Đa Minh là đơn vị sáng lập và quảng bá, từ thời thánh Đa Minh, chân phước Alan de la Roche, thánh Louis Marie Gnignion de Montfort… (tư tưởng trong cuốn “Thành thực sùng kính Mẹ Maria” của thánh Louis Marie Gnignion de Montfort, tu sĩ Dòng, được sử dụng ít nhiều trong các văn kiện của các Đức Giáo hoàng như ĐGH Lêô XIII; ĐGH Piô X; Piô XII, Gioan Phaolô II).
4/ Từ thời thánh giáo hoàng Piô V, các Giáo hoàng, đặc biệt Đức Lêô XIII đã ủy thác phát triển Hiệp hội kinh Mân Côi cho Dòng Đa Minh quyền thành lập, cổ võ, phổ biến (Xc. Đức Sixtô V, Dum Ineffabilia, 20/06/1586; Đức Phaolô V, Cum Olim, 20/09/1608; Đức Innocentiô XI, Nuper Pro Parte, 31/07/1679; Đức Bênêđíctô VIII, Pretiosus, 23/05/1727; Đức Lêô XIII, UBI PRIMUM, 02/10/1898).
5/ Các hội viên gia nhập hiệp hội, đọc Kinh Mân Côi theo 4 cấp độ:
đọc 5 chục kinh Mân Côi mỗi ngày
đọc 3 chục kinh Mân Côi mỗi ngày
đọc 2 chục kinh Mân Côi mỗi ngày
đọc 1 chục kinh Mân Côi mỗi ngày (vì hoàn cảnh không thể đọc hơn)
+ Lưu ý: trường hợp, điều kiện không đọc được hết hay quên sót, không mắc tội gì. 
6/ Hội viên cầu nguyện theo các ý chỉ:
cầu nguyện cho Giáo hội địa phương, cũng như hoàn vũ.
cầu nguyện cho thế giới, cho quê hương dân tộc.
cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục.
cầu nguyện cho tha nhân được ăn năn trở lại, hay tin nhận biết Chúa.
cầu nguyện cho người đau khổ, bệnh tật, thất vọng.
cầu xin ơn đặc biệt khỏi hiểm nguy và sự thánh thiện cho mình và tha nhân.
cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo và các sứ vụ khác của Giáo hội; cho sứ vụ của Dòng Đa Minh.
cầu nguyện cho các tu sĩ Đa Minh và các hội viên trên toàn thế giới khi còn sống cũng như qua đời.
7/ Ơn ích và ơn xá dành cho các hội viên:
thông hưởng các công phúc của các thánh nam nữ, các tu sĩ Dòng Đa Minh và toàn thể hội viên Hiệp hội ở khắp nơi trên thế giới đang hưởng tôn thánh Chúa.
thông chia công nghiệp của các thánh nam nữ, các tu sĩ Dòng Đa Minh đã, đang và sẽ lập được do thánh lễ, qua phụng vụ, việc tông đồ bác ái, truyền giáo (Đức Lêô X châu phê ngày 02/10/1520; Xc. Thủ bản 2014).
thừa hưởng các công đức của các phần tử trong Dòng Đa Minh và toàn thể Hội viên khi còn sống cũng như qua đời.
hưởng ơn toàn xá trong 8 ngày sau đây: ngày ghi tên gia nhập Hiệp hội; ngày lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, lễ Truyền Tin, lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh, lễ Đức Mẹ Mông Triệu, lễ Đức Mẹ Mân Côi. 
(Xc. https://www.rosarycenter.org/ Tổng/hiệp hội Kinh Mân Côi Dòng Đa Minh thế giới).
hưởng ơn toàn xá vào mỗi ngày, hội viên đọc kinh Mân Côi trong nhà thờ, nhà nguyện, trong gia đình, trong cộng đoàn tu trì, trong hiệp hội đạo đức hoặc khi nhiều người họp nhau cầu nguyện nhằm mục đích tốt với điều kiện xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng. 
Lưu ý để lãnh ơn toàn xá: phải đọc đủ 50 kinh, không ngắt quãng (Xc. Sổ Bộ Ân Xá - Enchiridion Indulgentiarum, 1999, s.17)
 
Trên đây là những khái quát chung về Hiệp Hội Kinh Mân Côi Dòng Đa Minh Việt Nam và thế giới. 
 
III. Tóm lại, Hiệp Hội Kinh Mân Côi Việt Nam hay Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Việt Nam, Dòng Đa Minh Việt Nam:
1/ Giống nhau: đều là hiệp hội công ngành giáo dân của Dòng Đa Minh tại Việt Nam cũng như trên thế giới, chính thức thuộc về gia đình Đa Minh. (“Mọi quyền lợi, đặc ân của các hiệp hội cũng như huynh đoàn được quản trị bởi các Quy chế riêng và do thẩm quyền các cấp chuẩn nhận một cách hợp pháp, đều chính thức thuộc về gia đình Đa Minh” - trích Tuyên bố chung của Bề trên Tổng quyền Carlos Alphongso Azpiroz Costa, O.P.).
2/ Khác nhau: điều kiện gia nhập, bổn phận, cơ cấu tổ chức và điều hành, sứ mạng tông đồ bên Huynh Đoàn Giáo dân Đa Minh thì tuân theo quy luật, quy chế chặt chẽ và bó buộc hơn trong việc tham gia vào đoàn sủng và sứ mạng của Dòng Đa Minh.
Huynh đoàn được thành lập buộc phải có sự tuyên bố chuẩn nhận của Bề trên giám tỉnh của Dòng. Ngược lại, Hiệp hội kinh Mân Côi thì quy chế, nội quy đơn giản hơn; hội viên tham gia và thực hiện bổn phận dễ dàng hơn.
…………………………………………
Bổn phận của các thành viên trong Hiệp hội Kinh Mân Côi phải (1) chuyên chăm lần chuỗi Mân Côi; (2) không tách rời việc suy niệm các mầu nhiệm (các ngắm) gồm 20 mầu nhiệm: Vui -Thương – Mừng - Sáng); (3) thực hiện việc rước kiệu Đức Mẹ đã được Đức giáo hoàng Grêgôriô XIII liệt kê vào quy chế và tập tục sùng kính của hiệp Hội Mân Côi (việc này hiện nay tùy thuộc hoàn cảnh ở mỗi địa phương); và (4) kèm theo bổn phận bác ái. (Xc. Tông hiến Ubi Primum).
Tuy nhiên, có thể thêm các hình thức thực hành đạo đức đặc biệt của Kitô giáo khác (Xc. Tông hiến Ubi Primum) như: Chầu Thánh Thể, hành hương, hiệp hành, thăm viếng, cầu nguyện liên gia…
……………………………………… 
 
Lm. Phêrô Phạm Văn Bình, O.P.
Đặc trách Cổ võ Kinh Mân Côi tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam.