Thứ tư 03/07/2024 – Thứ Tư tuần 13 thường niên – Thánh TÔMA, TÔNG ĐỒ - Lễ kính

Suy niệm Lời Chúa

Thứ tư 03/07/2024 – Thứ Tư tuần 13 thường niên – Thánh TÔMA, TÔNG ĐỒ - Lễ kính

Ngày đăng: 03/07/2024

Lời Chúa: Ga 20, 24-29

Bấy giờ trong Mười Hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không ở cùng với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà, và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

“Phúc thay những ai không thấy mà tin”
Anh chị em thân mến, Tin mừng kể về cách tin đặc biệt của thánh Tôma tông đồ. Không giống như 10 tông đồ khác đã tin tưởng Chúa sống lại khi được nhìn thấy Chúa, nhớ lại lời Chúa đã nói trước đó hoặc qua các cử chỉ quen thuộc mà chỉ có ở Chúa khi Chúa hiện ra với các ông, Tôma đòi hỏi phải chính tay mình đụng chạm thực sự vào dấu đinh ở tay chân Chúa hay vết thương cạnh sườn Chúa, thì ông mới tin. Đó là cách tin theo kiểu kiểm chứng của khoa học. Tuy nhiên chúng ta biết có rất nhiều cách để chúng ta tin vào Chúa.
- Chúng ta có thể tin dựa trên kinh nghiệm giác quan hay kiểm chứng như cách của Tôma. Cần tai nghe, mắt thấy, tay sờ rồi mới tin. Tôma phát biểu là phải tận mắt nhìn, tay phải sờ thấy dấu đinh nơi Chúa Giêsu mới tin tưởng Chúa đã phục sinh.
- Chúng ta cũng có thể tin dựa trên nhiều nhân chứng, những người đã ở cùng, ở với, đã trải nghiệm và thân cận với chúng ta. Đó là những người không có lý do gì để nói dối chúng ta về một sự thật rành rành. Chính các tông đồ là những người đã cùng sống với Tôma, mà Tôma cần phải tin vào lời họ. Nhưng Tôma được mệnh danh là “cha của những kẻ cứng lòng tin”, nên đã bỏ qua lời chứng của các tông đồ khác. 
Tuy nhiên Tôma dùng cách của mình để tin cũng có hai ý nghĩa quan trọng: thứ nhất, điều đó đem lại một niềm tin chắc chắn hoàn toàn; thứ hai củng cố niềm tin cho toàn thể các tông đồ khác nhiều hơn, và cho toàn thể Giáo hội trước những nghi ngờ của giới khoa học lúc nào cũng bảo rằng cần kiểm chứng nhìn thấy mới tin. 
Tôma đã nhìn thấy, tay sờ rõ ràng thân thể Chúa Giêsu phục sinh. Ông không thể không tin và khi đã tin rồi thì niềm tin của ông trở nên mạnh mẽ, sắt đá, không gì có thể chuyển lay. Ông quỳ sụp xuống dưới chân Chúa Giêsu mà tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.” 
Anh chị em thân mến, niềm tin và lời tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa và Ngài đã sống lại của Tôma cũng là niềm tin và lời tuyên xưng của tất cả chúng ta từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Niềm tin và lời tuyên xưng đó ngày càng phải được giữ gìn cách mạnh mẽ trong thế giới ngày nay bị thu hút bởi công nghệ mà tâm hồn thì ngày càng xa cách Thiên Chúa. Chúng ta cùng hiệp nhất trong đức tin để cùng nhau nối tiếp công việc của các tông đồ mà dựng xây tòa nhà của Thiên Chúa, tòa nhà của Giáo hội. Tòa nhà Thiên Chúa, tòa nhà Giáo hội được dựng xây trước hết trên Đá tảng góc tường là Chúa Giêsu; thứ hai là nền móng đức tin, máu đào đổ ra và lời rao giảng của các tông đồ và ngôn sứ; thứ ba là sự cộng tác dựng xây bởi đức tin, đức mến của mọi Kitô hữu chúng ta.
Vậy chúng ta đã lãnh nhận đức tin tinh tuyền và chắc chắn từ các tông đồ nói chung, từ Tôma nói riêng, chúng ta hãy trở nên những viên đá sống động để dựng xây ngôi nhà Thiên Chúa, tòa nhà Giáo hội bằng cách tham gia vào những sinh hoạt của đời sống Giáo hội hoàn vũ cũng như tại địa phương.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, Chúa biết chúng con có những yếu đuối, giới hạn bất toàn, và không tin tưởng nếu không có sự chứng nghiệm.
Chúa biết chúng con cũng giống như Tôma ngày xưa đòi hỏi nơi Chúa sự kiểm chứng để tin tưởng.
Nhưng Chúa muốn chúng con suy xét tất cả những gì đã viết về Chúa, những mạc khải của Ngài, và lời chứng của các tông đồ để mà tin.
Chúa muốn chúng con ngày hôm nay dù không tận mắt thấy Chúa mà vẫn tin Chúa mới là người có phúc. Một mối phúc ngoài tám mối phúc – bài giảng trên núi.
Xin Chúa hãy gọi tên chúng con như gọi tên cô Maria khi Ngài sống lại; đồng hành với chúng con như đồng hành với hai môn đệ trên đường Emau lúc họ buồn sầu, chán nản; xin ban bình an cho chúng con như khi Ngài hiện ra nói lời bình an cho các môn đệ.
Để chúng con luôn tin tưởng và bình an vì biết rằng Chúa vẫn ở bên chúng con mỗi ngày. 
 
NHỜ KINH MÂN CÔI:
“Kẻ nào lên án Kinh Mân Côi, thì cũng lên án tất cả những gì thánh thiện nhất trong Đức tin Công giáo, như Kinh Lạy Cha, Lời Chào Thiên Thần, và các mầu nhiệm sự sống, sự chết cùng vinh quang của Chúa Giêsu Kitô với Mẹ Thánh Người.”
Thánh Louis Maria de Montfort 

Đăng ký gia nhập

Hội Mân Côi

Lịch Phụng vụ

Mạng xã hội