Diễn văn của ĐTC Phanxicô trong buổi gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Indonesia

Giáo hội hoàn vũ

Diễn văn của ĐTC Phanxicô trong buổi gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Indonesia

Ngày đăng: 04/09/2024

Trong diễn văn đọc tại buổi gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Indonesia, vào ngày 04/9/2024, Đức Thánh Cha đề cập đến khẩu hiệu “Thống nhất trong đa dạng” của quốc gia, mời gọi mọi người tiếp tục thúc đẩy sự hoà hợp nhằm đem lại hoà bình cho tất cả.

Thưa Ngài Tổng thống, 

Các Thành viên Chính phủ,

Quý Đức Hồng Y,

Quý Giám mục,

Các Đại diện các nhóm tôn giáo,

Các Đại diện xã hội dân sự và văn hoá,

Các Thành viên của Ngoại giao đoàn,

Xin chân thành cảm ơn ngài Tổng thống vì lời mời đến thăm đất nước và những lời chào đón tốt đẹp của ngài dành cho tôi. Tôi xin gửi tới Tổng thống tân cử những lời chúc tốt đẹp nhất cho việc phục vụ Indonesia, một quần đảo rộng lớn gồm hàng ngàn hòn đảo được bao quanh bởi biển nối liền châu Á với châu Đại Dương.

Chúng ta có thể nói rằng, như đại dương là yếu tố tự nhiên hợp nhất tất cả các đảo của Indonesia, sự tôn trọng lẫn nhau đối với các đặc điểm văn hóa, dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo cụ thể của tất cả các nhóm hiện diện ở Indonesia là kết cấu không thể thiếu và thống nhất làm cho người Indonesia đoàn kết và tự hào.

Khẩu hiệu quốc gia của quý vị “Bhinneka tunggal ika” (Thống nhất trong đa dạng, theo nghĩa đen “Nhiều nhưng Một”) thể hiện rõ thực tế nhiều mặt này của các dân tộc khác nhau đoàn kết vững chắc trong một quốc gia. Khẩu hiệu cũng cho thấy, như sự đa dạng sinh học tuyệt vời hiện diện trong quần đảo này là một nguồn phong phú và rực rỡ, sự khác biệt cụ thể góp phần hình thành một bức tranh khảm tuyệt vời, trong đó mỗi mảnh ghép là một yếu tố không thể thay thế để tạo nên một tác phẩm nguyên bản và quý giá tuyệt vời. Và đây là kho báu của quý vị, là tài sản lớn nhất của quý vị.

Sự hài hòa trong đa dạng đạt được khi các quan điểm cụ thể tính đến các nhu cầu chung cho tất cả mọi người và khi mỗi nhóm sắc tộc và tôn giáo hành động trong tinh thần huynh đệ, theo đuổi mục tiêu cao cả là phục vụ lợi ích của tất cả. Ý thức tham gia vào một lịch sử chung, trong đó mỗi người mang đến sự đóng góp của mình và thiết yếu có tình liên đới của mỗi người cho tất cả, giúp xác định các giải pháp đúng đắn, và để tránh sự tức giận của những tương phản và biến sự đối lập thành sự hợp tác hiệu quả.

Sự cân bằng khôn ngoan và tinh tế này, giữa sự đa dạng của các nền văn hóa và các tầm nhìn ý thức hệ khác nhau, và những lý tưởng củng cố sự thống nhất, phải tiếp tục được bảo vệ chống lại sự mất cân bằng. Đó là một công việc khéo léo được giao phó cho tất cả mọi người, nhưng theo một cách đặc biệt cho những người trong đời sống chính trị, những người cần cố gắng hướng tới sự hài hòa, công bằng, tôn trọng các quyền cơ bản của con người, phát triển bền vững, liên đới và theo đuổi hòa bình, cả trong xã hội và với các dân tộc và quốc gia khác. Một nhà thông thái nói rằng chính trị là hình thức bác ái cao nhất.

Để thúc đẩy một sự hòa hợp thanh thản và mang tính xây dựng, vốn đảm bảo hòa bình và hợp lực nhằm loại bỏ sự mất cân bằng và đau khổ vẫn còn tồn tại ở một số khu vực của đất nước, Giáo hội Công giáo mong muốn tăng cường đối thoại liên tôn. Bằng cách này, chúng ta sẽ có thể loại bỏ các thành kiến và thúc đẩy một bầu khí tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, vốn không thể thiếu để đối phó với những thách đố chung, bao gồm cả việc chống lại thái độ cực đoan và bất khoan dung, qua việc bóp méo tôn giáo nhằm cố gắng áp đặt quan điểm của họ qua sự lừa dối và bạo lực. Thay vào đó, sự gần gũi, lắng nghe ý kiến của người khác... Điều này tạo ra tình huynh đệ của một quốc gia. Và điều này rất đẹp.

Giáo hội Công giáo phục vụ công ích và mong muốn tăng cường hợp tác với các tổ chức công và các tác nhân khác trong xã hội dân sự, nhưng không bao giờ chiêu dụ tín đồ. Giáo hội Công giáo tôn trọng niềm tin của mỗi người. Và với điều này khuyến khích việc hình thành một cơ cấu xã hội cân bằng hơn và đảm bảo phân phối trợ giúp xã hội hiệu quả và công bằng hơn.

Về vấn đề này, tôi muốn đề cập đến Lời mở đầu của Hiến pháp năm 1945 của quý vị, trong đó đưa ra những chỉ dẫn quý giá về hướng đi của con đường mà Indonesia dân chủ và độc lập đã chọn. Và đó là một lịch sử rất đẹp. Khi đọc lịch sử này, người ta thấy đó là sự lựa chọn của mọi người.

Chỉ trong vài dòng, Lời mở đầu đã hai lần đề cập đến Thượng Đế Toàn Năng và sự cần thiết phải có phúc lành của Người đổ xuống trên sự non trẻ của Nhà nước Indonesia. Tương tự như vậy, văn bản mở đầu luật nền tảng của quý vị hai lần đề cập đến công bằng xã hội, hy vọng một trật tự quốc tế dựa trên nó sẽ được thiết lập, được coi là một trong những mục tiêu chính cần đạt được vì lợi ích của toàn thể người dân Indonesia.

Do đó, sự hiệp nhất trong đa dạng, công bằng xã hội và phúc lành Thiên Chúa là những nguyên tắc cơ bản nhằm truyền cảm hứng và hướng dẫn trật tự xã hội. Chúng giống như một cơ cấu hỗ trợ, cơ sở vững chắc để xây dựng ngôi nhà. Làm sao chúng ta có thể không nhận thấy rằng những nguyên tắc này rất phù hợp với khẩu hiệu cuộc viếng thăm Indonesia của tôi: Đức tin, Tình huynh đệ, Lòng trắc ẩn?

Tuy nhiên, thật không may, trong thế giới ngày nay có một số khuynh hướng cản trở sự phát triển của tình huynh đệ phổ quát (Thông điệp, Fratelli Tutti, 9). Trong các khu vực, chúng ta thấy sự xuất hiện của các cuộc xung đột bạo lực, thường là kết quả của sự thiếu tôn trọng lẫn nhau, của mong muốn bất khoan dung để cho lợi ích của chính mình, vị trí của chính mình, hoặc câu chuyện lịch sử một phần của chính mình chiếm ưu thế bằng mọi giá, ngay cả khi điều này dẫn đến đau khổ không chấm dứt cho toàn thể cộng đồng và dẫn đến các cuộc chiến đẫm máu.

Đôi khi căng thẳng bạo lực phát sinh trong các quốc gia bởi vì những người cầm quyền muốn làm cho mọi thứ đồng nhất, áp đặt tầm nhìn của họ ngay cả trong các vấn đề thuộc về quyền tự chủ của các cá nhân hoặc các nhóm liên quan.

Hơn nữa, mặc dù có những tuyên bố chính sách ấn tượng, nhưng có nhiều trường hợp thiếu cam kết hiệu quả và tầm nhìn xa để xây dựng công bằng xã hội. Kết quả là một phần đáng kể của nhân loại bị bỏ lại bên lề, không có phương tiện cho một cuộc sống xứng nhân phẩm và không có sự bảo vệ để đối phó với sự mất cân bằng xã hội nghiêm trọng và ngày càng tăng gây ra các cuộc xung đột sâu sắc. Và làm thế nào để giải quyết điều này? Với luật chết, nghĩa là hạn chế sinh; Giới hạn sự giàu có nhất mà một quốc gia có, đó là tạo sinh. Trái lại, đất nước của quý vị, có những gia đình có ba, bốn, năm con đang tiến về phía trước. Và điều này có thể được nhìn thấy ở độ tuổi của đất nước. Quý vị hãy tiếp tục như thế. Quý vị là mẫu gương cho tất cả mọi người, cho tất cả các quốc gia. Điều thật buồn cười là có gia đình thích có một con mèo, một thú cưng chứ không phải một người con. Điều này không tốt.

Trong các bối cảnh khác, mọi người tin rằng họ có thể hoặc phải bỏ qua sự cần thiết tìm kiếm phúc lành của Thượng Đế, cho là không cần thiết đối với con người và xã hội dân sự. Thay vào đó, họ thúc đẩy những nỗ lực của chính họ, nhưng điều này thường khiến họ gặp phải sự thất vọng và thất bại. Trái lại, có những trường hợp đức tin vào Thượng Đế liên tục được đặt lên hàng đầu, nhưng lại thường bị thao túng và để phục vụ không phải là xây dựng hòa bình, hiệp thông, đối thoại, tôn trọng, hợp tác và huynh đệ, nhưng để xúi giục chia rẽ và gia tăng hận thù.

Trước những thách đố trên, điều đáng khích lệ là triết lý truyền cảm hứng cho tổ chức Nhà nước Indonesia thể hiện sự cân bằng khôn ngoan. Về vấn đề này, tôi xin lặp lại những lời của Thánh Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Dinh thự này năm 1989. Ngài nói: “Khi nhìn nhận sự hiện diện của sự đa dạng hợp pháp, trong việc tôn trọng các quyền con người và chính trị của mọi công dân, và trong việc khuyến khích sự phát triển của sự thống nhất quốc gia dựa trên sự khoan dung và tôn trọng người khác, quý vị đặt nền móng cho một xã hội công bằng và hòa bình mà tất cả người dân Indonesia mong muốn cho chính họ và mong muốn để lại cho con cái của họ” (Diễn văn trước Tổng thống Cộng hòa Indonesia và các Thành viên chính phủ, Jakarta, ngày 9/10/1989).

Nếu đôi khi trong quá khứ các nguyên tắc được đề cập ở trên không phải lúc nào cũng được thực hiện, thì chúng vẫn có giá trị và đáng tin cậy, như ngọn hải đăng chỉ ra hướng phải đi và cảnh báo về những sai lầm nguy hiểm nhất cần tránh.

Thưa ngài Tổng thống, thưa quý bà và quý ông,

Tôi hy vọng tất cả mọi người, trong cuộc sống hàng ngày, sẽ có thể lấy cảm hứng từ những nguyên tắc này và thực hiện chúng khi thi hành các nhiệm vụ tương ứng, vì opus justitiae pax, hòa bình là hoa trái của công lý. Sự hòa hợp đạt được khi chúng ta cam kết không chỉ với lợi ích và tầm nhìn của riêng mình, mà còn vì lợi ích của tất cả mọi người, xây dựng cầu nối, thúc đẩy các thỏa thuận và năng lượng, hợp lực để đánh bại mọi hình thức đau khổ về đạo đức, kinh tế và xã hội, và thúc đẩy hòa bình và hòa hợp.

Anh chị em thân mến, hãy tiếp đi trên con đường đẹp và đúng đắn của anh chị em. Như thế mang lại phúc lành cho tất cả mọi người. Xin Thượng Đế chúc lành cho Indonesia với hòa bình, cho một tương lai tràn đầy hy vọng. Xin Thượng Đế chúc lành cho tất cả quý vị!

Nguồn: Vatican News

Đăng ký gia nhập

Hội Mân Côi

Lịch Phụng vụ

Mạng xã hội