Chúa Nhật 15/09/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Suy niệm Lời Chúa

Chúa Nhật 15/09/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Ngày đăng: 14/09/2024

Lời Chúa: Mc 8, 27-35

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê.

Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: "Người ta bảo Thầy là ai?" Các ông đáp lại rằng: "Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri". Bấy giờ Người hỏi: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?"

Phêrô lên tiếng đáp: "Thầy là Ðấng Kitô". Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó.

Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: "Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người".

Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình".

“Con Người phải chịu đau khổ nhiều…, bị giết chết và sau ba ngày, sẽ sống lại.”

Anh chị em thân mến, con đường chắc chắn của Kitô giáo chính là “qua đau khổ để đến vinh quang”.
Đau khổ là một đề tài muôn thuở nhưng không giờ giải đáp được hết vấn đề của nó, bởi đau khổ là một màu nhiệm nằm trong cái gọi là màu nhiệm sự dữ. Phật nói: “đời là bể khổ”, còn Chúa Giêsu nói “ngày nào có nỗi khổ của ngày ấy”.
Chúng ta không bàn về nguồn gốc phát sinh đau khổ. Ai cũng biết nó bắt nguồn từ tội lỗi; từ sự phản bội của loài người đối với Thiên Chúa; từ sự con người tự chọn cho mình con đường xa cách Thiên Chúa và cũng là xa cách nguồn sống, nguồn hạnh phúc. Từ đó đau khổ phát sinh.
Chúng ta chỉ bàn về ý nghĩa, giá trị của đau khổ. Bản chất đau khổ là một điều tự nhiên trong cuộc sống rồi. Con người không thể trốn tránh khổ đau. Chuyện còn lại là phải làm sao tìm ra được ý nghĩa, giá trị từ trong những đau khổ ấy.
Tự bản chất đau khổ không có ý nghĩa giá trị gì cả. Nhưng có một Người đã làm cho nó có giá trị và ý nghĩa. Người đó là Chúa Giêsu Kitô. Chính Người trong thân phận là Chúa nhưng đã hạ mình sinh ra trong nghèo khổ, chết trong đau khổ. Người đã dùng cái đau khổ ấy để thể hiện tình yêu của Người đối với thế giới, dùng đau khổ của thập giá mà cứu chuộc trần gian.
Thực vậy, nếu Người không sinh ra và chết với nỗi khổ ải nhất của cuộc đời thì Người không thể nào thể hiện được tình yêu tột cùng đối với chúng ta và cái chết cùng với nước, máu của Người đổ ra trên thập giá sẽ không có giá trị cứu chuộc con người.
Nhưng Chúa Giêsu đã thực hiện điều ấy như mạc khải trong Tin Mừng Máccô hôm nay: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, nhưng sau 3 ngày, sẽ sống lại."
Đau khổ và cái chết nó còn có một ý nghĩa vinh thắng bởi chính Chúa Giêsu đã vượt qua nó để phục sinh, để bước vào vinh quang. Điều đó cho thấy đau khổ và cái chết như là một phương tiện tuyệt vời thể hiện vinh quang khi chúng ta chiến thắng chúng. 
Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, đã không dùng quyền năng của mình đánh đông dẹp bắc để cứu con người, để chiến đấu dành vinh quang cho mình nhưng Người dùng phương thế hạ mình, khiêm tốn với tình thương đồng cảm sống với con người, gánh vác một sự hy sinh khổ đau nhất để chết thay, để chữa lành, để cứu vớt trần gian.
Do đó, đau khổ trở thành biểu tượng của tình yêu tự hiến sống và chết cho người khác. Đối với con mắt người phàm đau khổ là một sự thất bại, không muốn có, nhưng đối với Thiên Chúa, nó có một ý nghĩa vinh quang; đó là đường đưa đến vinh quang. Chính Chúa Giêsu đã thực hiện điều ấy và mời gọi chúng ta sống điều ấy. 
Như vậy, Chúa Giêsu Kitô đã mặc cho đường thánh giá, đường hy sinh đau khổ một ý nghĩa giá trị cao nhất. Ngài đã đi tiên phong dùng con đường ấy để yêu thương, để chiến thắng sự dữ, để bước vào vinh quang thiên quốc. Đó cũng là con đường của chúng ta: “Ai muốn theo Ta hãy bỏ mình vác thánh giá mọi ngày mà theo Ta". Đó cũng là cuộc đời của các thánh. Tất cả đều có một mẫu số chung là “trải qua con đường đau khổ". Con đường nên thánh, con đường về vinh quang thiên quốc không phải là con đường trải bằng hoa hồng, hoặc sung sướng thảnh thơi vì trên thiên đàng, theo sách Khải huyền miêu tả gồm toàn “những người từ đau khổ lớn lao mà đến" (Kh 7,14). 
Thưa anh chị em, trên bước đường trần gian, chắc chắn có những lúc Chúa sẽ gửi đến cho ta những chông gai, khổ đau hay gánh nặng của thập giá. Xin cho mỗi người chúng ta sẵn sàng vác giúp Chúa như ông Simon ngày xưa. Chúng can đảm vác thập giá, dùng khổ đau làm phương thế đồng cảm sẻ chia với kiếp người và dùng nó như phương tiện hy sinh vì người khác, là dấu chỉ chúng ta đi đúng đường tình yêu, đường đưa đến vinh quang mà Chúa đã đi và đồng thời, chúng ta trở thành cánh tay nối dài cộng tác với Chúa Giêsu trong công cuộc cứu rỗi chính mình cũng như tha nhân. 

NHỜ KINH MÂN CÔI:
“Chân phước Alain viết: khi tôi đang đọc Kinh Mân Côi thì nhiều anh em Đa Minh hiện đến và tuyên bố rằng ngoài Hiến Tế Thánh trong thánh lễ thì không có cách thức nào có tác động mạnh mẽ bằng Kinh Mân Côi để cứu giúp các linh hồn đau đớn trong luyện ngục.”

Thánh Anphongso Ligori 

Đăng ký gia nhập

Hội Mân Côi

Lịch Phụng vụ

Mạng xã hội