Suy Niệm Lời Chúa
Chúa Nhật 06/04/2025 – CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY năm C
Lời Chúa: Ga 8, 1-11
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy.
Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất.
Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất.
Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó.
Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai".
Chúa Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".
SUY NIỆM
Một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Theo Luật Môsê (x. Lv 20,10; Đnl 22,22-24), chị phải bị ném đá xử tử. Những thầy tư tế và biệt phái đã đưa chị đến trước Chúa Giêsu - vị Thầy rao giảng tình thương. Hành động này của họ chỉ là cái bẫy giăng ra để tìm cách hại Đức Giêsu. Nếu Người phán xử theo lề luật, chị sẽ bị xử tử, điều này dường như đi ngược với thông điệp yêu thương mà Người rao giảng. Ngược lại, nếu Người tha thứ cho chị, Người sẽ bị xem là vi phạm Luật Môsê. Mọi ánh mắt đều hướng về Chúa Giêsu để chờ xem Người sẽ xét xử như thế nào.
Hình ảnh người phụ nữ ngoại tình này gợi nhớ đến nhiều hình ảnh khác trong Kinh thánh. Trong lịch sử cứu độ, dân Thiên Chúa đã nhiều lần bất trung, tìm kiếm và tôn thờ các thần dân ngoại. Các ngôn sứ đã mô tả sự bội phản này như hành động của một người phụ nữ ngoại tình. Dù bị phản bội, Thiên Chúa vẫn luôn tha thứ và tái lập giao ước tình yêu với dân Ngài. Ngôn sứ Hôsê, bằng chính kinh nghiệm của mình, đã diễn tả mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Israel như một cuộc hôn nhân, trong đó người vợ bội phản nhưng vẫn được người chồng tha thứ và đón nhận trở về (x. Hs 1-3). Ngôn sứ Êdêkien cũng sử dụng hình ảnh một người chồng chung thủy, luôn yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho người vợ ngoại tình (x. Ed 16). Thánh vịnh đã ca tụng tình yêu và lòng nhân hậu của Thiên Chúa: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 102,8).
Câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình trong Tin mừng Gioan là một mặc khải về tình yêu và lòng bao dung của Thiên Chúa dành cho con người. Khi chiêm ngưỡng phiên xử trong sân đền thờ, đặc biệt là lòng từ bi của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ, thánh Augustinô đã thốt lên: “Cuối cùng chỉ còn lại hai nhân vật: người đàn bà và Chúa Giêsu - một bên là khốn cùng, một bên là lòng thương xót, và chính lòng thương xót đã chiến thắng trong ngày hôm đó!”. Lòng thương xót của Người đã xóa sạch mọi tội lỗi cho chị.
Hình ảnh người phụ nữ ngoại tình trong Kinh thánh nói chung và trong Tin mừng Gioan nói riêng là biểu tượng cho dân Chúa tội lỗi, bất trung, cũng như chính mỗi người chúng ta khi sa ngã, khi phạm tội hoặc khi lỗi đức ái dưới bất cứ hình thức nào. Khi đó, chúng ta cũng ở trong tình trạng “ngoại tình” với Thiên Chúa - Đấng luôn yêu thương và chung thủy.
Người phụ nữ đã thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa” - một lời tuyên xưng đầy khiêm nhường và tin tưởng, thể hiện lòng ăn năn và nhận biết Thiên Chúa là Đấng làm chủ cuộc đời mình. Lời tuyên xưng này tương tự như lời của Maria Mađalêna khi nhận ra Chúa Giêsu phục sinh. Đáp lại, Chúa Giêsu đã tuyên bố một lời giải thoát: “Tôi cũng không kết án chị”. Đây chính là lời ban sự tự do, xuất phát từ ánh sáng phục sinh chiến thắng tội lỗi.
Như người phụ nữ ấy, mỗi chúng ta cũng cần ý thức tình trạng tội lỗi của mình trước Chúa, và tuyên tín vào sức mạnh của tình yêu phục sinh bằng cách can đảm lãnh nhận bí tích Hòa giải. Trong bí tích này, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa - Đấng giàu lòng thương xót. Như lời Thánh vịnh: “Chính Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi” (Tv 102,3), Thiên Chúa sẽ nói với chúng ta: “Hãy đi và đừng phạm tội nữa”. Đó là lời khích lệ để chúng ta bắt đầu một cuộc sống mới – một cuộc phục sinh của tâm hồn.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con nghiêm túc nhận ra tội lỗi của mình, cảm nghiệm được lòng thương xót bao la của Chúa, để chúng con biết tuyên xưng danh Ngài và rao truyền tình yêu của Ngài trong mọi hoàn cảnh. Amen.

Đăng ký gia nhập
Hiệp Hội Kinh Mân Côi