Chúa Nhật 04/05/2025 – CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH năm C

Suy Niệm Lời Chúa

Chúa Nhật 04/05/2025 – CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH năm C

Ngày đăng: 03/05/2025

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (21,1-19)

Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?”. Các ông trả lời: “Thưa không”. Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!”. Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”. Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!”. Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết. Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?”. Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy”. Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?”. Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy”. Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không?”. Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có thương mến Thầy không?”. Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con thương mến Thầy”. Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy”.

SUY NIỆM

Tin mừng hôm nay tường thuật việc Đấng Phục Sinh hiện ra với các môn đệ trên bờ biển hồ Tibêria. Trình thuật này chứa đựng nhiều hình ảnh giàu tính biểu tượng, trong đó nổi bật là hai chi tiết: mẻ cá lạ lùng với “một trăm năm mươi ba con” và bữa ăn thân tình với “bánh và cá”. Những hình ảnh này mang ý nghĩa gì, và đâu là mối liên hệ sâu xa giữa chúng?

Trước hết là hình ảnh mẻ cá. Theo thánh Gioan, các tông đồ cùng Phêrô ra khơi đánh cá sau một đêm trắng tay. Nhưng khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến và truyền lệnh thả lưới, các ông đã vâng lời và kéo được một mẻ cá lớn - đúng một trăm năm mươi ba con cá, theo tường thuật. Theo thánh Giêrônimô, con số này tượng trưng cho tổng số các loài cá được biết đến vào thời bấy giờ, và như thế, đây là hình ảnh tiên trưng cho công cuộc truyền giáo phổ quát của Giáo hội. Các tông đồ, dưới sự hướng dẫn của Phêrô và nhờ quyền năng của Chúa Phục Sinh, sẽ trở thành những “ngư phủ lưới người”, quy tụ muôn dân muôn nước về với Đức Kitô.

Tiếp đến là hình ảnh bữa ăn. Sau khi các môn đệ kéo lưới lên bờ, Chúa Giêsu đã chuẩn bị sẵn bữa ăn gồm bánh và cá. Tuy bữa ăn này không giống với bữa tiệc Thánh Thể theo nghi thức hiện tại, nhưng theo linh mục Inhaxiô Hồ Thông, hành động “Chúa Giêsu cầm lấy bánh và trao cho các môn đệ” mang đậm dấu ấn Thánh Thể. Thêm vào đó, trong truyền thống Giáo hội sơ khai, “bánh và cá” cũng là biểu tượng quen thuộc của bí tích Thánh Thể, như được thấy trong phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều được cả bốn sách Tin mừng ghi lại.

Như vậy, “mẻ cá lạ lùng” và “bữa ăn của Chúa” không chỉ là hai sự kiện ngẫu nhiên, nhưng là hai chiều kích bất khả phân ly của thực tại Giáo Hội: truyền giáo và Thánh Thể. Giáo Hội được mời gọi tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu - loan báo Tin mừng cứu độ cho muôn dân. Nhưng để có thể trung thành và hiệu quả trong sứ mạng ấy, Giáo hội cần được nuôi dưỡng từ bàn tiệc Thánh Thể, nơi Đức Kitô ban chính thân mình làm lương thực thần linh để củng cố đức tin, lòng mến và sức mạnh thiêng liêng.

Qua hai hình ảnh đó, chúng ta nhận ra một chân lý cốt lõi: không thể thi hành sứ vụ truyền giáo cách bền vững nếu thiếu sự gắn bó với Thánh Thể. Thánh lễ là nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu, là nơi mỗi người kín múc tình yêu và ơn Chúa để lên đường sống và làm chứng cho Tin mừng. Trên hết, từng người tín hữu cần để mình được biến đổi mỗi ngày qua việc tham dự thánh lễ, để rồi từ đó, ra đi gieo rắc ánh sáng và tình yêu của Chúa giữa trần gian.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trao cho con sứ mạng loan báo Tin mừng đến mọi nơi, cho mọi người. Con ý thức rằng, để thực hiện sứ mạng cao cả này, con không thể cậy dựa vào sức riêng mình. Chính trong thánh lễ mỗi ngày, con được gặp gỡ Chúa, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Mình Máu thánh Người. Xin giúp con luôn biết siêng năng đến với Chúa nơi bàn tiệc Thánh Thể, để từ đó con có thể mạnh mẽ lên đường, đem tình thương và ơn cứu độ của Chúa đến cho anh chị em xung quanh. Amen.

Đăng ký gia nhập

Hiệp Hội Kinh Mân Côi

Lịch Phụng vụ

Mạng xã hội